Thường sơn
DƯỢC LIỆU CHỨA ANCALOID CÓ NHÂN QUINAZOLIN (HAY BENZOPYRIMIDIN)
THƯỜNG SƠN
Radix Dichroae febrifugae – Foliem Dichroae febrifugae
Thường sơn là rễ hoặc lá phơi khô của cây Thường sơn Dichroa febrifuga Lour, họ Thường Sơn (Saxifragaceae)
Ở Việt Nam thường dùng lá và cành, ở Trung Quốc dùng rễ.
Dichroa = hai màu, vì lá và thân cành có hai màu: xanh và tím. Có tài liệu nói vì hoa lúc mới nở màu trắng, sau có màu lam tím, febrifuga = đuổi sốt; ý nói là một thứ cây có hai màu, vó tác dụng chữa sốt.
Mô tả cây
Cây nhỏ, thân không hóa gỗ, nhưng cũng không mềm; cao chừng 1 – 2 m, thân màu xanh hay tím. Lá đối, mép có răng cưa nhỏ. Hoa tự hình xim lưỡng phân, hoa màu lam tím. Quả mọng màu lam.
Địa lý
Mọc hoang rất nhiều ở Việt Nam; thường ưa những nơi mát, gần suối; ở các tỉnh thượng du như Tuyên Quang, Bắc Cạn, đâu cũng có.
Bộ phận dùng
- Lá: hái lúc sắp ra hoa hay đang ra hoa có tên là Thục tất.
- Rễ: đào về phơi trong râm.
Bên Trung Quốc còn dùng cành mang lá hoặc búp Thường sơn gọi là “thục tất”.
Là hình trứng dài, dài 10 – 15cm, có cuống, mép có răng cưa, mạch hình lông chim.
Trong bột lá thấy ở biểu bì trên và dưới của lá có các lông che chở đơn tế bào, thành hơi dày, sần sùi, tế bào ở phiến lá có các trâm tinh thể oxalat canxi.
Rễ hình trụ, dài 10 – 32cm hay hơn, đường kính 0.3 – 2.5cm, có khi phân nhánh, mặt ngoài màu vàng nâu đến nâu xám có các vết dọc, có nơi vỏ tróc ra, để lộ gỗ màu vàng nhạt, cứng, khó bẻ; rễ nhỏ dễ bỏ hơn; khi cắt nhẵn, ta thấy rõ các tia tủy màu trắng, ở giữa có tủy màu trắng, mùi vị không rõ ràng.
Soi dưới tia ngoại tím, sẽ thấy phần sube, libe và ruột có huỳnh quang vàng.
Trong vi phẫu:
- Libe gồm vài tầng tế bào
- Mô vỏ gồm các tế bào có nhựa và oxalat canxi hình trâm thành bó, hạt tinh bột.
- Libe rất hẹp, có những tế bào có nhựa và tinh thể oxalat canxi hình trâm. Các bó libe phân cách nhau bởi tia tủy gồm 1 – 9 hàng tế bào, thông thường 1 – 6 hàng.
- Tầng phát sinh
- Gỗ chiếm phần lớn rễ; trong tế bào gỗ cũng có chứa tinh bột; tia ruột ở đây cũng gồm 2 – 9 hàng tế bào.
Bột rễ Thường sơn màu vàng hay vàng tro, trong đó:
- Rất nhiều tinh bột hình trứng hay tròn, đường kính 4 – 22µm.
- Trâm tinh thể canxi oxalat dài 18 – 90 µm.
- Các đám nhựa to nhỏ không đều.
- Các mạch gỗ
- Mảng sube màu sẫm.
Thành phần hóa học
Rất nhiều công trình nghiên cứu. Trong lá có 0.2%, tỏng rễ có 0,1% alcaloid toàn phần. Tùy theo tác giả, các ancaloid chính gồm có:
- Theo Triệu Thạch Dân, Chuyên Phú Vĩnh, Trường Xương Thiệu (1946 – 1948):
+ Dichroin α: độ chảy 136 oC.
+ Dichroin β: độ chảy 145 oC.
+ Dichroin γ: độc hảy 160 oC.
- Theo Koepfli Kuehl (1948):
+ Ancaloid I: độ chảy 131 – 132 oC.
+ Ancaloid II: độ chảy 140 – 142 oC.
- Theo Koepfli (1947 – 1949):
+ Febrifugin: độ chảy 139 – 140oC.
+ Isofebrifugin: độ chảy 128 – 130 oC.
Gần đây, người ta đã xác định rằng Dichroin α, ancaloid I, Isofebrifugin cùng là một chất; Dichroin β, ancaloid II, Febrifugin là một.
Các ancaloid của Trường sơn đều là thuộc chất của nhân quinazolin, có va dạng α, β, γ; nhiệt, acid, kiềm hay dung môi có thể ảnh hưởng và chuyển hóa các dạng đó. Dạng γ là dạng có tác dụng chữa sốt rét mạnh nhất.
Tác dụng dược lý
So sánh với quinin, tác dụng của Dichroin β mạnh gấp 50 lần, Dichroin γ mạnh gấp 148 lần đối với bệnh sốt rét của gà.
Đối với bệnh sốt rét của gà, tác dụng của ancaloit I mạnh gấp 8 lần, ancaloid II mạnh gấp 16 lần (so với quinin).
Đối với sốt rét của vịt và khỉ, febrifugin mạnh gấp 100 lần và đối với sốt rét của gà mạnh gấp 64 lần so với quinin.
Tác dụng phụ gây nôn.
Công cụng và liều dùng
Chữa sốt rét, sốt, rất có hiệu quả. Nhưng sau khi uống thường có hiện tượng nôn mửa.
Uống 0,30 – 0,90g dưới dạng thuốc sắc hoặc thuốc bột.
Còn dùng dưới dạng cao lỏng 5 – 15ml.
Đơn thuốc có Thường sơn:
- Trường sơn cam thảo thang: Trường sơn (rễ) 10g, Cam thảo 3g, Nước 600ml; sắc còn 200ml. Chia 3 lần uống trong ngày, chữa sốt, sốt rét.
- Trường sơn triệt ngược: Trường sơn (lá) 6g, Binh lang 2g, Thảo quả 1g, Cát căn 4g, Nước 600ml; sắc còn 200ml, chia làm 3 lần uống trong ngày.