Cô la
DƯỢC LIỆU CHỨA ANCALOID CÓ NHÂN PURIN
CÔ LA
Tên khoa học: Semen Colae
Bộ phận dùng: Cô la là hạt chế biến về phơi hay sấy khô của nhiều loài Cô la thuộc họ Trôm (Sterculiaceae)
Mô tả
Cây Cô la là nhiều cây thuộc loài khác nhau của giống Cô la. Có thể chia làm hai nhóm:
- Loài có nhân gồm 2 lá mầm Cola vera Schoum (hay Sterculia grandiflova Vent).
- Loài có nhân gồm trên hai lá mầm (thường từ 4 – 6) acuminata (lá so le, C. verticillata Stapf (lá mọc vòng 3 hay 4), C. ballayi (mọc nhiều vòng 5 – 15 lá).
Thường là những cây to, cao 15 – 20m; từ 3 – 4m trở lên đã mang cành. Lá thường so le, phiến nguyên. Hoa phân đực cái có khi mọc riêng từ cây (khác gốc), có khi cây có cả hoa đực và hoa cái (lưỡng tính). Quả gồm 5 – 6 đại mọc vòng, mỗi đại mang 2 – 12 (thường 5 – 9) hạt.
Địa lý
Các loài Cô la đều mọc ở châu Phi, đặc biệt Tây Phi.
Hiện được trồng ở nhiều nơi, nhưng chưa phát triển lắm; Man-ga-sơ, đảo Reunion, Mã Lai, …
Trước đây Pháp có trồng cây Cô la ở Phú Thọ và Hà Giang. Nhưng không còn lại bao nhiêu.
Trồng hái
Cây Cô là ưa khí hậu nóng và ẩm; mùa mưa dài, mùa khô ngắn, đất sâu, có đất sét, không đọng nước, nhiều mùn, có cây to che chở.
Trồng bằng hạt đỏ mẫm, lấy giống ở cây khỏe. Nên trồng ngay tại chỗ hoặc gieo vào giỏ rồi chôn luôn giỏ khi cây mầm cao 1 – 2cm vì nếu không khéo rễ mềm rất dễ gãy. Có thể áp dụng trồng cành, ghép hay chiết cành; nên áp dụng đối với cây có nhiều hoa cái. Sau 7 – 8 năm mới ra hoa; nhưng thu hoạch chỉ đáng kể vào năm thứ 15; sau đó thu hoạch 25 – 30 năm; mỗi cây cho từ 5 – 8kg nhân tươi.
Chế biến. quả phải hái khi vỏ có màu lục nâu đã đốm vàng và có thể mở dễ dàng mà không cần dao.
Nhân lấy ra có màng trắng. Để mát 2 – 3 ngày, màng sẽ đen, bóc dễ dàng, rửa bằng nước xà phòng. Có thể chôn dưới đất vài ngày.
Để giữ cho nhân tươi, khi gửi đi xa cần phải trộn với bột than gỗ.
Có khi người ta phơi khô gửi đi, nhưng như vậy tính chất của hạt khi chế tạo bị thay đổi.
Bộ phận dùng
Nhân.
Mặc dầu lúc tươi có màu gì đi nữa, khi khô nhân cũng có màu nâu sẫm ở ngoài, nâu đỏ ở giữa, một mặt khum và nhiều mặt phẳng thành nhiều cạnh, dài 3,5 cm, rộng 2 cm. Vị chát, đắng hơi đặc biệt.
Vi phẫu: vỏ chưa nhiều ống chất nhầy, tinh thể oxalat canxi hình cầu gai bó libe gỗ ở phía trong.
Lá mầm có một biểu bì bao quanh một tổ chức có nhiều tế bào đa cạnh, thành dày, chưa tanin, chất béo, nhiều tinh bột, nhất là ở các tế bào trung tâm.
Thành phần hóa học
Hạt tươi có thành phần và tác dụng khác hạt khô. Goris và Arnoud đã chứng minh rằng hạt tươi cho vào nồi hấp 110oC trong 5 – 10 phút rồi phơi khô có cùng một thành phần hóa học của hạt tươi do men oxydaza bị diệt.
Hạt khô chứa 33% chất có tinh bột, ít nhất 1,5 – 2% cafein, 0,023% theobromin, tanin.
Ngoài ra còn có chất đỏ Cô la gồm cafein kết hợp với tanin.
Trong hạt tươi, Goris lấy ra được 2 chất gần giống chất catechin có tinh thể: kolatin và kolatein. Kolatin và kolatein cho với cafein các hợp chất tan: kolatin cafein và kolatein cafein là những dạng có trong hạt tươi.
Kolatin và kolatein, trong hạt phơi khô, bị oxy hóa để cho chất đỏ Cô la làm cho một phần cafein kết hợp dưới dạng không tan.
Tác dụng sinh lý
Nhân dân châu Phi ở nơi có cây Cô la dùng nhân Cô la như ta ăn trầu.
Nhân Cô la (nhất là tươi) kích thích hệ thần kinh, tăng huyết áp và sức bóp của tim, giảm nhịp thở, làm cho đỡ mệt; ngoài ra còn có tính chất thông tiểu tiện. Nhai nó làm ta đỡ đói và khát. Nó làm đỡ buồn ngủ.
Thí nghiệm trên ngựa thi, người đua xe đạp, người chạy thi, thấy Cô la làm đỡ mệt.
Tuy nhiên không nên lạm dụng, liều cao quá có thể gây chết, do tim bị liệt.
Công dụng và liều dùng
Kích thích. Thuốc bổ dùng khi mới ốm khỏi.
Chữa ỉa chảy.
Dùng dưới hình thức cồn thuốc tươi, cốm có 50% bột nhân cô la, cao mềm (chứa ít nhất 5% cafein), cao lỏng (ít nhất 1,25% cafein), vang cô la.
Liều dùng:
Bột hay cao lỏng 1 – 2g
Cồn thuốc 2 – 10g
Vang 60 – 100g