Enter your keyword

Vân mộc hương

Vân mộc hương

Vân mộc hương

VÂN MỘC HƯƠNG

Dược liệu Vân mộc hương

Tên khoa học: Saussurea lappa Clarke

Họ cúc: Asteraceae

Tên vị thuốc: Mộc hương (Radix Sausurea lappa)

Tên khác: Mộc hương, Quảng mộc hương, Mộc hương Bắc

Phân biệt: Trên thị trường sử dụng Mộc hương nam là vỏ cây Rụt (Ilex sp.), họ Nhựa ruồi (Aquifoliaceae). Một số tỉnh miền núi nước ta (Hà Giang, Lào Cai…) dùng cây Thổ mộc hương (Inula helenium L.) cần chú ý phân biệt.

Đặc điểm thực vật:

Vân mộc hương là loại cây trồng để lấy củ, sống 1 hoặc nhiều năm. Rễ củ có hình trụ tròn, độ to của củ phụ thuộc vào tuổi cây, thông thường có đường kính từ 3 – 8 cm. Ruột cây rỗng, thân, lá, rễ cây có vị đắng, có mùi thơm đặc biệt nhất là ở rễ. Khi có hoa thân cây cao từ 1,2 – 1,3 m, ít hoặc không có nhánh, hai mặt lá đều có lông, mặt sau nhiều hơn, gân nổi phía sau lá. Lá mọc so le, càng lên cao lá càng nhỏ, lá hình tam giác hoặc hình thuôn hai đầu. Hoa nở vào tháng 7 – 8, mỗi ngọn có 2 – 8 quả, cánh hoa mầu tím sẫm dài từ 17 – 23 mm có tua dài bao quanh. Hạt hình dẹt, mầu nâu sẫm, hạt rộng 2 – 3 mm, dài 7 – 10 mm.

Mùa hoa tháng 4 – 6. Mùa quả tháng 5 – 7.

Điều kiện sinh thái và phân bố

Vân mộc hương là cây thuốc nhập nội từ 1961 của Vân Nam (Trung Quốc). Vân mộc hương được trồng ở nhiều vùng thuộc Trung Quốc, ngoài ra có trồng ở ấn Độ và một số nước khác. ở Việt Nam, Vân mộc hương đã được di thực thuần hoá tại Trạm nghiên cứu cây thuốc Sapa, Tam Đảo thuộc Viện Dược liệu. Sau khi di thực, thuần hoá thành công, cây Vân mộc hương đã sinh trưởng phát triển bình thường ra hoa kết hạt. Hạt đem gieo đã cho năng suất dược liệu tương đối khá, chất lượng được thị trường và thầy thuốc chấp nhận. Vân mộc hương đã được trồng thành hàng hoá ở một số vùng thuộc miền Bắc nước ta như: Sìn Hồ – Lai Châu, Pà Cò – Mai Châu, Thường Tín – Hà Tây, Thanh Trì – Hà Nội…

Cây ưa khí hậu ẩm mát, nhiệt độ trung bình năm từ 15 – 20oC, lượng mưa 2500 mm, độ ẩm không khí 80%, số giờ nắng 1450 giờ là những điều kiện thuận tiện cho cây sinh trưởng phát triển. Tuy vậy, Vân mộc hương là cây có khả năng thích nghi rộng trồng được cả ở miền núi, trung du và đồng bằng. Cây ưa đất cao ráo, thoát nước, tơi xốp, nhiều mùn, tầng canh tác dầy, độ pH từ 6,5 – 7.

Giá trị làm thuốc

  • Thành phần hoá học

Rễ Vân mộc hương chứa 0,3 – 3% tinh dầu, 0,05% saussurin (alcaloid), betulin, stigmasterol, 18% inulin và chất nhựa.

Thành phần chủ yếu của tinh dầu là sesquiterpen lacton; dehydrocostus lacton và custusolid, a- và b- cyclocostusolid, alantolacton…

Rễ cây Vân mộc hương còn chứa 20 axit amin và cholamin.

  • Bộ phận dùng làm thuốc và công dụng

        a) Bộ phận dùng làm thuốc:

Bộ phận dùng làm thuốc là rễ của cây Vân mộc hương (Radix Saussureae) thu hái vào mùa thu – đông đã rửa sạch đất cát.

         b) Công dụng:

Theo y học cổ truyền

– Vân mộc hương có vị đắng, cay, tính hơi ấm; quy vào 3 kinh phế, can, tỳ ; có tác dụng giảm đau, hành khí, kiện tỳ, hoà vị, lợi tiểu, an thai, trừ đờm, làm săn.

– Vân mộc hương dùng để chữa cảm lạnh, khí trệ, đau bụng, đầy bụng, khó tiêu, lỵ, tiêu chảy, nôn mửa, tiểu tiện bế tắc; dùng làm thuốc gây trung tiện để chữa ngộ độc thức ăn, chữa ho, an thai… Không được dùng Vân mộc hương với các chứng bệnh do khí yếu hay huyết hư mà táo.

– Theo một số tài liệu nước ngoài, ở ấn Độ, Vân mộc hương là thuốc dễ tiêu, gây trung tiện, chữa ho hen, bệnh tả, khói của Vân mộc hương có tác dụng ức chế thần kinh trung ương, phối hợp với một số vị thuốc khác để chữa sỏi niệu và bệnh tim… ở Trung Quốc, Vân mộc hương được dùng chữa đau tức ngực ở vùng thượng vị, đau mót trong bệnh lỵ, khó tiêu, chán ăn. Ngoài ra, còn được dùng làm thuốc gây ngủ, trừ giun, giải độc, cầm máu, nhiếm độc thai nghen… ở Nhật Bản và Triều Tiên, Vân mộc hương còn được dùng điều trị các bệnh về tiêu hoá, nôn mửa, tiêu chảy, nấc, đau dạ dày…

Theo y học hiện đại

Vân mộc hương có tác dụng dược lí:

– Cao rễ có tác dụng ức chế trên in vitro của một số vi khuẩn như; Staphylococcus aureus, Shigella shigae, E. coli, S. flexineri… Tinh dầu Vân mộc hương có tính kháng khuẩn, tẩy uế mạnh.

– Tinh dầu Vân mộc hương có tác dụng ức chế nhu động ruột, gây thư giãn, gây trung tiện mạnh và làm giảm co thắt phế – khí quản gây bởi histamin.

– Saussurin là alcaloid làm giãn cơ trơn, đặc biệt là cơ trơn phế quản, làm dịu cơn hen.

– Phân đoạn chiết trong aceton của Vân mộc hương có tác dụng chống loét dạ dày tốt; đặc biệt là phân đoạn có chứa costunoid có tác dụng chống loét mạnh nhất.

– Tác dụng hiệp đồng làm kéo dài thời gian gây ngủ của thuốc ngủ, do ức chế thần kinh trung ương.

– Trên lâm sàng, Vân mộc hương có tác dụng tốt trong điều trị lỵ amíp, lỵ trực khuẩn, viêm đại tràng mãn tính dạng co thắt, suy nhược thần kinh, đái tháo đường.

– Tác dụng bảo vệ, chống lại độc lực của nọc rắn hổ mang; nâng cao tỷ lệ sống sót, hoặc kéo dài thời gian cầm cự ở động vật đã bị tiêm nọc rắn độc.

– Tác dụng chống viêm trên các mô hình gây viêm thực nghiệm; gây phù cấp tính bàn chân chuột bằng caragel và viêm mãn tính bằng gây u hạt thực nghiệm với amian. Bảo vệ gan, chống lại sự nhiễm độc carbon tetra chlorid…

Một số bài thuốc có dùng Vân mộc hương và cách sử dụng:

– Chữa tiêu chảy: Bột Vân mộc hương, gelotanin, tạo viên, chia liều.

– Chữa lỵ cấp tính: Vân mộc hương, Hoàng liên, Khổ sâm, Bạch thược, Chỉ xác, Cam thảo; tạo hoàn, uống.

– Chữa lỵ mãn tính: Vân mộc hương, Hoàng liên, đồng lượng; tạo viên, uống.

Kỹ thuật trồng

  • Chọn vùng trồng

Nên trồng Vân mộc hương ở vùng núi cao, nơi có khí hậu lạnh mát quanh năm. Tuy nhiên, Vân mộc hương cũng có thể trồng để lấy dược liệu ở vùng đồng bằng như Hà Nội, Hà Tây. Vân mộc hương đã được trồng trọt nhiều năm ở Sapa (từ 1961) và đã tỏ ra rất thích hợp với điều kiện khí hậu ẩm và lạnh ở vùng Sapa. Nhiệt độ trung bình năm là 15,5oC, lượng mưa 2759 mm/năm, độ ẩm không khí trung bình 89% đã cho năng suất khá ổn định.

  • Giống

– Hạt giống không lẫn tạp, không mốc mọt.

– Hạt phải khô, độ thuỷ phần đạt 8%.

– Tỷ lệ nảy mầm phải đạt từ 70% trở lên.

– Hạt giống đem trồng ở ruộng sản xuất dược liệu phải ổn định về năng suất và chất lượng, tỷ lệ lên ngồng không quá 5 – 7%.

Chất lượng hạt giống có ảnh hưởng đến năng suất dược liệu. Kết quả khảo nghiệm về chất lượng hạt giống gieo ảnh hưởng đến năng suất dược liệu được tiến hành ở Sapa năm 1993 – 1994. Hạt giống được lấy từ cây giống 1 năm tuổi và cây giống 2 năm tuổi.

Kết quả cho thấy:

Loại hạt giốngChiều cao cây
(cm)
Số lá
trên cây
(lá)
Tỷ lệ cây ra hoa khi thu hoạch
(%)
Năng suất củ (tấn/ha)
Hạt giống cây 1 năm tuổi45,25 ± 4,111,75 ± 0,971,75 ± 9,11,1 ± 0,06
Hạt giống cây 2 năm tuổi57,50 ± 6,413,17 ± 6,144,70 ± 6,01,7 ± 0,05

Như vậy, việc cung cấp hạt giống có chất lượng cao cho sản xuất Vân mộc hương là rất quan trọng.

Loại
cây giống
Chiều cao cây (cm)Số lá trên thân (lá)Số quả trên cây (quả)Số hạt trên quả (hạt)Năng suất hạt (kg/ha)
Hạt giống cây 1 năm tuổi95 ± 1011,5 ± 1,26,70 ± 0,913,75 ± 4,7205 ± 27
Hạt giống cây 2 năm tuổi118 ± 1015,2 ± 2,98,25 ± 1,551,25 ± 8,5295 ± 25
  • Thời vụ trồng

Miền núi gieo hạt tháng 9, 10 hay tháng 2, 3. Đồng bằng gieo vào tháng 8, 9 hoặc dùng cây con gieo ở miền núi đêm về trồng trước tết âm lịch hoặc sau tết.

Một kết quả nghiên cứu về thời vụ gieo trồng được tiến hành ở Sapa cho kết quả:

-Thời vụ gieo 10/9 năng suất dược liệu Vân mộc hương đạt 3600 kg/ha.

– Thời vụ gieo 10/10 năng suất dược liệu Vân mộc hương đạt 3330 kg/ha.

– Thời vụ gieo 10/11 năng suất dược liệu Vân mộc hương đạt 2560 kg/ha.

– Thời vụ gieo 10/12 năng suất dược liệu Vân mộc hương đạt 2000 kg/ha.

Như vậy cần gieo sớm vào tháng 9, 10, không nên gieo muộn sang tháng 11, 12.

  • Đất trồng và kỹ thuật làm đất

Đất trồng cần chọn nơi cao, thoát nước, tầng canh tác dầy, có độ dốc vừa phải.

Cần cầy sâu, để ải, bừa kỹ, vơ sạch cỏ, lên thành luống cao 25- 30 cm, mặt luống rộng 70 – 90 cm.

  • Phân bón và kỹ thuật bón phân

Phân chuồng 27 tấn/ha; Đạm urê 305 kg/ha; Lân supe 540 kg/ha; Kali sunfat 270 kg/ha; Tro bếp nếu có 305 kg/ha.

Sau khi lên luống dùng cuốc bổ hốc bón phân lót, gồm toàn bộ phân chuồng, phân lân, 1/2 phân kali, toàn bộ tro bếp được trộn đều để bón.

  • Mật độ, khoảng cách trồng

Trồng 2 hàng/luống với khoảng cách 40 x 40 cm, nếu đất quá xấu trồng 30 x 30 cm.

Một kết quả nghiên cứu mật độ, khoảng cách trồng Vân mộc hương được tiến hành tại Sapa cho kết quả sau:

Mật độ
khoảng cách
Chiều dài củ (cm)Đường kính củ (cm)Khối lượng củ khô (g/củ)Năng suất dược liệu khô (tấn/ha)
30 x 30 cm
(11,1 vạn cây/ha)
27,3 ± 2,51,94 ± 0,232,27 ± 3,22,15 ± 0,18
30 x 40 cm
(8,3 vạn cây/ha)
26,1 ± 2,52,57 ± 0,341,34 ± 3,12,13 ± 0,19
30 x 50 cm
(6,0 vạn cây/ha)
26,5 ± 2,43,22 ± 0,348,17 ± 3,11,90 ± 0,19
LSD 0,050,289
  • Kỹ thuật trồng

Hiện nay, có 2 cách gieo trồng Vân mộc hương:

– Gieo thẳng: Dùng hạt gieo ngay trên ruộng sản xuất, sau khi đã làm đất, bón phân theo hốc. Để hạt chóng nẩy mầm trước khi gieo, ta có thể xử lý hạt bằng nước nóng từ 30 – 40oC, ngâm trong vòng 24 giờ, sau đó vớt ra để ráo, đem gieo, mỗi hốc 3 – 5 hạt lấp đất 1 cm. Cũng có thể ủ hạt ra rễ mới đem gieo, hạt nào không ra rễ loại bỏ, gieo xong cần phủ rơm rạ hay trấu, tưới nước đủ ẩm, sau 6 – 7 ngày hạt bắt đầu nẩy mầm cần bỏ dần rơm rạ cho cây con lên thẳng, khoẻ mạnh. Lượng hạt giống gieo: 8 – 9 kg/ha.

– Trồng bằng cây con đã được gieo ở vườn ươm thường vào tháng 2, 3 hay trước tết âm lịch. Đánh cây con có 4 – 5 lá thật, cây to khoẻ, không bị sâu bệnh, đem trồng mỗi hốc 1 cây. Lượng hạt giống gieo vườn ươm: 2,5 – 3 kg đủ cây con trồng cho 1 ha sản xuất.

  • Chăm sóc và quản lý đồng ruộng

Làm cỏ xới xáo, vun gốc, tưới tiêu, giặm tỉa, loại trừ cây còi cọc. Nếu gieo thẳng cần tỉa 1 – 2 lần, sau chỉ để lại mỗi hốc 1 cây, trồng bằng cây con cần giặm nếu cây nào bị chết. Tháng 4 – 5 cây nào đâm ngồng ngắt bỏ hoặc nhổ bỏ. Lần 1 sau khi cây con được 30 ngày bón thúc 80 kg đạm urê/ha, kết hợp với làm cỏ, lần 2 sau khi cây con được 50 ngày, làm cỏ xới xáo vun nhẹ, bón thúc 100 kg đạm urê/ha cùng 1/2 kali còn lại, lần 3 sau khi cây được 60 – 65 ngày xới xáo, làm cỏ, vun bón thúc 120 kg đạm urê/ha. Sau 3 lần nếu có cỏ chỉ việc nhổ cỏ, có mưa cần vét rãnh, tiêu nước.

  • Phòng trừ sâu bệnh

Vân mộc hương hay bị sâu xám hại mầm, cây con ở giai đoạn vườn ươm, có thể xử lý đất, trộn cỏ non với thuốc để đánh bả, dùng tay bắt vào buổi sáng.

  • Chế độ luân canh hoặc xen canh

Vân mộc hương có thể trồng luân canh với các loại cây ngũ cốc hoặc các cây họ đậu.

5-Thu hoạch, chế biến và bảo quản

  • Thu hoạch

Đến khoảng tháng 11, 12, khi cây vàng lụi thì tiến hành thu hoạch. Khi thu về dũ sạch đất cát rồi phơi hay sấy nhiệt độ khoảng 40 – 50oC cho đến khô, còn lại thuỷ phần 12% là được. Khi thu hoạch cần tránh làm củ bị sây sát hay bị gãy.

Tiêu chuẩn, chất lượng dược liệu Vân mộc hương

– Dược liệu phải khô, không lẫn tạp, không mốc mọt. Củ phải có mùi thơm, mầu vàng sẫm, có đường kính 2,5 – 3 cm, không có rễ nhỏ, ruột rễ chắc.

  • Chế biến

Phương pháp bào chế

– Vân mộc hương phiến: Rễ Vân mộc hương, rửa sạch, để ráo nước, ủ mềm 1- 2 giờ. Thái phiến vát dài 3- 5 cm, dầy 1- 3 mm. Phơi khô.

– Vân mộc hương vi sao: Dùng lửa nhỏ sao Vân mộc hương phiến tới khô (hơi vàng).

  • Bảo quản, vận chuyển

Củ khô cho vào chum vại, thùng có nắp kín để bảo quản, hoặc đóng vào các bao tải ngoài có túi nilon chống ẩm, để nơi cao ráo thoáng mát.

Vận chuyển trong xe tải kín, tránh mưa, nắng làm hỏng dược liệu.

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

lovemama.vn

    ĐẶT MUA SẢN PHẨM

    Giao hàng toàn quốc (Tận nơi - Giá tốt)

    Bỏ trống ô số lượng nếu bạn cần tư vấn

    Chúng tôi sẽ liên hệ lại ngay khi nhận được thông tin

    096 419 6541